Chiều ngày 31/7/2018, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ ký Hợp đồng mua bán khí (GSPA) giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các Chủ mỏ Lô 05-1b & 05-1c, Hợp đồng đấu nối (TSA) giữa các Chủ mỏ Lô 05-1b&c và Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS); Hợp đồng bán khí (GSA) giữa PVN và PV GAS - Dự án khí Mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt (Lô 05-1b&c).
Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, đại diện Bộ Ngoại giao. Về phía PVN có Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn cùng các đồng chí Thành viên HĐTV, Ban Tổng Giám đốc, đại diện các Ban chuyên môn/Văn phòng Tập đoàn. Về phía PV GAS có Tổng Giám đốc Dương Mạnh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Quốc Huy, lãnh đạo các ban chuyên môn. Về phía đại diện các chủ mỏ có lãnh đạo các công ty Idemitsu Kosan Co.,Ltd.(Idemitsu), Teikoku Oil (Con Son) Co., Ltd.Ký Hợp đồng bán khí (GSA) giữa PVN và PV GAS - Dự án khí Mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt (Lô 05-1b&c) |
Dự án Nam Côn Sơn 2 – Giai đoạn 2 là một trong những định hướng lớn nằm trong Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 đã được Chính phủ phê duyệt. Dự án Nam Côn Sơn 2 – Giai đoạn 2 do PetroVietnam Gas (PV GAS) làm chủ đầu tư, có công suất thiết kế 7 tỷ m3 khí/năm, nhằm mục tiêu thu gom khí từ các mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt, Thiên Ưng – Đại Hùng và mỏ Sư Tử Trắng – giai đoạn 2 về Nhà máy xử lý khí Nam Côn Sơn 2 (GPP2) để sản xuất các sản phẩm LPG, condensate và khí khô thương phẩm, cấp cho các hộ tiêu thụ tại khu vực Đông Nam Bộ. Đây cũng là dự án được kỳ vọng sẽ kích thích hoạt động thăm dò và khai thác tại khu vực nước sâu bể Nam Côn Sơn, đồng thời tạo tiền đề thay thế đường ống Bạch Hổ - Dinh Cố trong chiến lược phát triển lâu dài của Tập đoàn và PV Gas.
Trong định hướng tổng thể đó, việc phát triển Dự án khí Sao Vàng - Đại Nguyệt thuộc Lô 05-1b và 05-1c, bể Nam Côn Sơn là tiền đề cho sự phát triển của chuỗi Dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 Giai đoạn 2, một trong những dự án trọng điểm của PV Gas. Dòng khí Sao Vàng – Đại Nguyệt đầu tiên dự kiến về bờ vào cuối năm 2020 với tổng trữ lương khí khai thác dự kiến là 16 tỷ m3 khí sẽ góp phần tăng sản lượng khí lên khoảng gần 5 triệu m3 khí/ngày, bổ sung cho các nguồn khí hiện hữu đang suy giảm để cung cấp và đáp ứng nhu cầu của các hộ tiêu thụ tại khu vực Đông Nam Bộ; trong đó nguồn cung khí cho sản xuất điện từ khu vực Đông Nam Bộ chiếm khoảng 22% sản lượng điện trong cả nước.
Mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt (Lô 05-1b và 05-1c) nằm tại khu vực nước sâu, xa bờ, điều kiện địa chất phức tạp (nhiệt độ cao, áp suất cao) của Bể Nam Côn Sơn thuộc thềm lục địa Việt Nam, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 300 km về phía Đông Nam, độ sâu mực nước biển từ 110m – 130m.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.