Để đáp ứng cho nhu cầu của thị trường ngày một tăng đến từ các nhà máy điện, khách hàng công nghiệp và dân dụng, trong khi các nguồn khí nội địa đang trên đà giảm sút thì việc nhập khẩu LNG để bù đắp cho sự thiếu hụt này là một giải pháp mang tính đột phá nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phục vụ cho sự phát triển của đất nước.
Tổng Công ty Khí Việt Nam PV Gas (PetroVietnam Gas) là đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Dầu Khí quốc gia Việt Nam, hoạt động trên các lĩnh vực thu gom, vận chuyển, chế biến, tàng trữ, phân phối và kinh doanh các sản phẩm khí trên phạm vi toàn quốc và mở rộng ra thị trường quốc tế
Sử dụng LNG là phù hợp với xu hướng chung của thế giới
LNG là khí thiên nhiên hóa lỏng không màu, không mùi, không độc hại và không có tính chất ăn mòn, có nhiệt độ ngọn lửa vào khoảng 2.340ºC và nhẹ hơn không khí. Thành phần chủ yếu là metan (khoảng 95%) và một lượng nhỏ các khí khác. LNG được hóa lỏng khi làm lạnh sâu đến -162°C sau khi đã loại bỏ các tạp chất (tùy vào tỷ lệ thành phần hỗn hợp trong chất khí), giúp dễ dàng bảo quản và vận chuyển. Đây là một loại năng lượng có tiềm năng lớn. Bởi LNG là nhiên liệu hóa thạch sạch nhất. Quá trình đốt cháy khí tự nhiên không thải ra muội than, bụi hoặc khói. Nó tạo ra ít hơn 30% CO2 so với dầu nhiên liệu và 45% so với than đá, với việc giảm hai lần lượng khí thải nitơ oxit và hầu như không có khí thải SO2 gây hại cho môi trường. Điều này dựa trên một loạt các nghiên cứu so sánh tổng lượng phát thải trong vòng đời của cả hai loại nhiên liệu dựa trên các khâu khai thác, sản xuất, vận chuyển và đốt trong các nhà máy điện ở nước ngoài. LNG cũng có giá trị năng lượng cao hơn, có nghĩa là nó có thể tạo ra nhiều điện trên mỗi tấn khi so với than đen. Một báo cáo năm 2008 của công ty tư vấn WorleyParsons thực hiện cho Woodside Petroleum cho thấy rằng LNG tạo ra 7,1 MWh mỗi tấn so với 3 MWh từ than đen khi cả hai loại nhiên liệu này được đốt trong các nhà máy điện hiệu suất cao.
Dự án Kho cảng LNG Thị Vải luôn là mối quan tâm chỉ đạo hàng đầu của PV GAS ngay từ những ngày đầu, nhằm đưa công trình vào hoạt động đúng tiến độ |
Việc sử dụng LNG là hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung của thế giới, LNG đóng vai trò là “nhiên liệu cầu nối” trong quá trình chuyển dịch năng lượng sang các loại nhiên liệu xanh, sạch, thân thiện với môi trường hơn. Đây được xem là một giải pháp, một “cứu cánh” cho rất nhiều vấn đề liên quan đến phát thải khí nhà kính, để đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng cho sự phát triển bền vững.
Ở nước ta, việc nhập khẩu LNG cũng được xem là giải pháp quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Nghị Quyết số 55/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 11/02/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó đã đưa ra nhiệm vụ phát triển công nghiệp khí “Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ LNG” đồng thời “Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống”.
Việt Nam dự định sử dụng khí tự nhiên để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, được dự báo với tốc độ cao tới 7% hàng năm trong thập kỷ tới. Trong bối cảnh, sản lượng khí nội địa suy giảm, sự không chắc chắn về tính thời vụ của thủy điện, sự thiếu ổn định của năng lượng tái tạo và lo ngại ngày càng tăng về tính bền vững của sản xuất nhiệt điện than, cũng như triển khai các giải pháp để đảm bảo mục tiêu cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị COP26 về trung hòa carbon vào năm 2050, thì LNG sẽ là một nguồn năng lượng hiển nhiên và không thể thiếu đối với đất nước và sẽ sớm trở thành một thành phần quan trọng trong tăng trưởng năng lượng của quốc gia, hướng tới một tương lai năng lượng sạch hơn tại Việt Nam. Dự thảo Quy hoạch điện VIII xác định rõ quan điểm phát triển là giảm tối đa các nhà máy nhiệt điện than với mục tiêu giảm tối đa phát thải khí CO2; không phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới; xem xét chuyển đổi một số nguồn điện sử dụng nhiên liệu than sang LNG.
Việt Nam nỗ lực tham gia vào thị trường LNG
Nước ta gia nhập thị trường LNG với tâm thế là một người chơi mới (very new player) trong một thị trường đã phát triển được hơn 50 năm. Điều này đòi hỏi việc nhập khẩu LNG phải theo các thông lệ mua bán LNG quốc tế. Việt Nam hiện cũng chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến thiết kế, xây dựng và vận hành các cơ sở nhập khẩu LNG (trên thực tế, Chính phủ đã ban hành các Thông tư và Nghị định cùng giải quyết các vấn đề đối với LNG và LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng), nhưng các sản phẩm này có các tính chất vật lý và yêu cầu an toàn khác nhau, đồng thời các thị trường tương ứng này có rất ít điểm chung). Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý hiện hành cho các dự án LNG cho điện ở Việt Nam vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh. Trong 2 năm qua, giá LNG đã có nhiều biến động rất lớn do ảnh hưởng của đại dịch Covid và chiến tranh giữa Nga và Ucraina, điều này ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ của các thị trường nhạy cảm về giá như Việt Nam nếu Chính phủ không có các hỗ trợ hợp lý trong các điều kiện đặc thù. Mặt khác, LNG có những đặc thù riêng của nó như mức độ các cam kết dài hạn, thị trường biến động và chịu nhiều ảnh hưởng của các sự kiện chính trị, xã hội,... Thị trường năng lượng nói chung, LNG nói riêng trên toàn cầu hiện đang trong trạng thái bất ổn do các sự kiện địa chính trị.
Kho cảng PV GAS Vũng Tàu (Kho cảng Thị Vải) sẽ bổ sung nhiều chức năng mới, diện mạo mới khi Dự án LNG hoàn thành và đi vào hoạt động |
Cụ thể, các dự án điện khí LNG có công nghệ tiên tiến, vốn đầu tư lớn nên đòi hỏi nhà đầu tư cần có kinh nghiệm và năng lực tài chính. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền chưa có đủ kinh nghiệm về lĩnh vực này nên có thể sẽ ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án. Cơ chế giá điện sử dụng nhiên liệu LNG chưa có quy định đầy đủ.,
Đánh giá vai trò quan trọng của LNG trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong tương lai, Đảng, Chính phủ, các Bộ, Ban ngành đều rất quan tâm đến việc phát triển thị trường LNG – là cơ sở để phát triển hành lang pháp lý nhằm quản lý, giám sát và thúc đẩy sự phát triển của loại nhiên liệu siêu lạnh này tại Việt Nam. Chính phủ đang trong quá trình xây dựng và hình thành các cơ chế chính sách để có thể đưa LNG vào thị trường Việt Nam, bao gồm những vấn đề như chấp nhận cơ chế giá thả nổi theo thị trường với sự biến động lớn, các cam kết bao tiêu dài hạn,...
Là đại diện tiêu biểu, chủ lực của ngành công nghiệp khí Việt Nam, với kinh nghiệm và năng lực vận hành hệ thống cơ sở hạ tầng khí cùng với sự am hiểu thị trường, PV GAS luôn tích cực đi đầu trong việc thực hiện chiến lược, định hướng về LNG của Chính phủ, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Ông Hoàng Văn Quang – Tổng giám đốc PV GAS cho biết, PV GAS đã thực hiện nhiều chiến dịch khác nhau để quảng bá khí tự nhiên là một giải pháp tốt hơn và PV GAS cũng chính là “Người tiên phong” nhập khẩu LNG để thay thế dần nhiên liệu ô nhiễm hơn như than, dầu,... tại các nhà máy nhiệt điện trong hệ thống điện Việt Nam, chuyển đổi hỗn hợp năng lượng sang trạng thái “xanh hơn”. Năng lượng tái tạo đang phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc phát triển này cần được xem xét, đánh giá với một lộ trình hợp lý, đảm bảo tỷ trọng hài hòa. Trong đó, các nguồn năng lượng cơ bản như LNG, khí tự nhiên vẫn sẽ chiếm vai trò quan trọng, bởi đây còn là nguồn cung công suất chạy nền tin cậy khi năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện, nhằm đảm bảo tính ổn định của hệ thống, đồng thời đáp ứng các mục tiêu về môi trường.
Trong lĩnh vực LNG, PV GAS định hướng sẽ nỗ lực giữ vai trò đầu mối đầu tư và nhập khẩu LNG cho các hộ tiêu thụ trên toàn quốc nhằm thực hiện hiệu quả vai trò công cụ quản lý và điều tiết thị trường khí, LNG của Nhà nước; Ưu tiên nguồn lực, nhanh chóng đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ nhập khẩu, phân phối LNG để đảm bảo nguồn cung ổn định, lâu dài cho các khách hàng hiện hữu, kích thích sự hình thành, phát triển các khách hàng mới của các ngành, các khu vực theo định hướng phát triển kinh tế xã hội; Phát triển khu vực Thị Vải, Bình Thuận, miền Bắc thành đầu mối/trung tâm LNG cả nước; Phấn đấu nhập khẩu LNG từ năm 2022. Trong đó, Dự án LNG tại Thị Vải của PV GAS đang được triển khai tích cực, nhằm cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng nhập khẩu để cung cấp cho các nhà máy điện Nhơn Trạch và các hộ tiêu thụ khác ở khu vực Đông Nam bộ. Ngoài việc mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia, quan trọng hơn, sự xuất hiện của Kho cảng LNG Thị Vải và Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 & 4 sẽ góp phần đảm bảo cho nhu cầu về khí cũng như điện cho khu vực công nghiệp đang ngày càng cấp thiết tại khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ.
Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, chuẩn bị cho việc nhập khẩu LNG, PV GAS đã, đang và sẽ cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cùng tham gia tư vấn, xây dựng các cơ chế chính sách cho Chính phủ để giải quyết các vấn đề về xây dựng khung pháp lý. Tại Việt Nam, thị trường khí đã được hình thành và vận hành thành công an toàn trong nhiều năm qua, đây là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững trong việc nhập khẩu LNG.
Nhận thức rõ trách nhiệm và vai trò chủ lực được Đảng, Chính phủ và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giao trong việc thực hiện Chiến lược, Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam, các mục tiêu, định hướng, giải pháp phát triển PV GAS được triển khai theo sát các Chiến lược, Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Khí, trong đó có việc tiên phong trong thị trường LNG; phù hợp với định hướng phát triển sâu rộng, đồng bộ, bền vững, vươn tầm khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu đưa nguồn năng lượng xanh, sạch, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, lương thực của quốc gia; đồng thời góp phần hiện thực hóa những cam kết của đất nước về mục tiêu giảm phát thải.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.