Thursday, July 20, 2023

PV GAS hoàn tất công tác chuẩn bị tiếp nhận chuyến tàu LNG đầu tiên về Việt Nam vào ngày 10/07/2023

Các công tác chuẩn bị đã được hoàn thành. Toàn bộ chuỗi dự án Kho cảng LNG Thị Vải với các trang thiết bị hiện đại đã sẵn sàng, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn quốc tế và các yêu cầu tiếp nhận của Shell – một trong những nhà cung cấp có tiêu chuẩn an toàn khắt khe bậc nhất trên thị trường LNG quốc tế. Phương án, kế hoạch cụ thể chi tiết đưa tàu LNG cập và rời bến cũng đã được PV GAS hoàn thiện với sự hỗ trợ tích cực của các đơn vị liên quan.

Với vai trò là doanh nghiệp chủ đạo của ngành công nghiệp khí Việt Nam, hoàn toàn nhận thức được tầm quan trọng của việc nhập khẩu LNG về Việt Nam, Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) PV GAS đã nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện, hoàn thành thủ tục để sẵn sàng cho việc đưa LNG vào thị trường Việt Nam; đặc biệt trở thành doanh nghiệp đầu tiên nhận Quyết định số 01/GCNĐĐK-BCT chứng nhận đủ điều kiện thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LNG.

Tháp tiếp nhận LNG trước giờ đón tàu vận chuyển Maran Gas Achilles cập cảng Thị Vải
Tháp tiếp nhận LNG trước giờ đón tàu vận chuyển Maran Gas Achilles cập cảng Thị Vải


Chuỗi dự án Kho cảng LNG Thị Vải cũng được hoàn thiện, sẵn sàng cho công tác xuất nhập khẩu và kinh doanh LNG. Kho cảng Thị Vải giai đoạn 1 có khả năng tiếp nhận tàu LNG trọng tải lên đến 100.000 tấn, cùng các hạng mục chính gồm: bồn chứa LNG có sức chứa 180.000 m3 với các thiết bị công nghệ được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế hiện đại nhất, hệ thống trạm nạp xe bồn, trạm giảm áp và hệ thống đường ống dẫn khí kết nối.

Để đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn đưa tàu vào cảng Thị Vải, PV GAS đã phối hợp và chủ động hoàn thiện chỉnh sửa, bổ sung và nâng cấp các thiết bị và cơ sở vật chất tại kho cảng nhằm đáp ứng toàn bộ những yêu cầu của phía đối tác. Có thể khẳng định, hiện nay Kho cảng LNG Thị Vải là công trình hiện đại và an toàn nhất tại Việt Nam. Bên cạnh Shell, Kho cảng Thị Vải đã được các nhà cung cấp LNG lớn và danh tiếng trên thế giới như: Qatar Gas, Cherniere, PetroChina… đánh giá cao, góp phần khẳng định đẳng cấp và độ tin cậy về mức độ hoàn thiện. Từ đây, kho LNG Thị Vải đã ghi danh trên bản đồ LNG trên thế giới.

Để tiếp nhận chuyến tàu LNG đầu tiên về Việt Nam. PV GAS (PetroVietnam Gas) đã phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương; tổ chức các cuộc họp làm việc với Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu (CVHHVT), Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC &CNCH), Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Công ty Đảm bảo an toàn Hàng hải Đông Nam Bộ, đại điện chủ tàu, chủ cảng (Xí nghiệp Xăng dầu PETEC Cái Mép)… để có sự phối hợp tốt giữa các bộ phận khi lai dắt đưa tàu LNG trọng tải lớn siêu trường siêu trọng lần đầu tiên cập cảng Cái Mép.

Hệ thống truyền dẫn LNG đã sẵn sàng trong điều kiện tối ưu
Hệ thống truyền dẫn LNG đã sẵn sàng trong điều kiện tối ưu

Trong lần nhập khẩu LNG đầu tiên về Việt Nam này, tàu Maran Gas Achilles sẽ đưa khoảng 70 nghìn tấn LNG nhập kho cảng LNG Thị Vải. LNG dự kiến được PV GAS nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam phục vụ cho các nhà máy điện khí và khách hàng công nghiệp tại khu vực Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Việc nhập khẩu LNG giúp đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng ổn định, giảm thiểu rủi ro thiếu hụt năng lượng và đảm bảo hoạt động liên tục của các ngành công nghiệp và hệ thống điện lực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Việc nhập khẩu LNG sẽ củng cố vị thế chủ đạo của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) trong quá trình chuyển dịch năng lượng sang điện khí tại Việt Nam. Đồng thời khẳng định vai trò tiên phong của PV GAS trong việc thực hiện các chủ trương, chiến lược quốc gia về an ninh năng lượng theo Quy hoạch Điện VIII. Dự án kho cảng LNG Thị Vải không chỉ đáp ứng nhu cầu khí LNG cho các khách hàng hiện tại mà còn đồng thời chuẩn bị cho tương lai, đáp ứng yêu cầu về cung cấp khí cho các dự án nhà máy điện mới trong những năm tới.

LNG (Liquid Natural Gas - Khí tự nhiên lỏng) là một nguồn năng lượng sạch, ít gây khí thải và không gây ô nhiễm môi trường như các nguồn năng lượng truyền thống khác, hiệu quả và tiềm năng, có thể đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế và điện năng của đất nước. LNG được đánh giá là “nhiên liệu chuyển tiếp” ít phát thải hơn (so với than, dầu FO, DO, xăng), là một phương án hỗ trợ tuyệt vời, khi năng lượng gió và mặt trời còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết và hiệu năng chưa cao, tốn nhiều diện tích xây dựng. Điện phát từ LNG có thể cạnh tranh được về giá so với các nhiên liệu khác và mang lại tính ổn định cao do nguồn cung dồi dào, đa dạng và linh hoạt. Việc sử dụng LNG giảm lượng khí thải carbon và bảo vệ môi trường, đồng thời tham gia tích cực vào nỗ lực giảm biến đổi khí hậu toàn cầu.

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.