Monday, October 16, 2023

Dự án Kho LNG 1 triệu tấn Thị Vải: Không gì là không thể (phần 1)

Một lĩnh vực mới, một công trình mới, cùng những công nghệ mới, kỹ thuật mới… tất cả đều chưa từng có ở Việt Nam, thế nhưng đội ngũ Ban lãnh đạo, CBCNV của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã hoàn thành đúng thời hạn với chất lượng quốc tế. Đây chính là minh chứng cho tinh thần, hào khí Việt Nam: “Không gì là không thể”.

Trước thềm sự kiện “Khánh thành công trình trọng điểm quốc gia – Kho LNG 1 triệu tấn Thị Vải”, những người đã gắn bó, đi cùng dự án ngay từ những ngày đầu khi chỉ là một khu đất trống chắc hẳn không khỏi xúc động với những cảm xúc đan xen: vui có, hạnh phúc có, tự hào có…

Thời điểm đó, khó có ai có thể hình dung được công trình LNG “lịch sử” lớn nhất và hiện đại nhất sẽ như thế nào sau gần 4 năm xây dựng. Đi từ con số 0, với một lĩnh vực hoàn toàn mới, quá nhiều công nghệ, thiết bị mới, những kỹ sư, công nhân của PV GAS ở mọi vị trí, vai trò đều phải vừa làm, vừa học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng để có thể hoàn thành thật tốt nhiệm vụ mà mình đang đảm nhận.

Hãy cùng lắng nghe những cảm nhận của những con người đặc biệt đến từ nhiều vị trí khác nhau đã làm nên thành công của dự án này qua chuỗi bài “Dự án Kho LNG 1 triệu tấn Thị Vải: Không gì là không thể”. Phần 1 của chuỗi bài sẽ là những kỹ sư, quản lý đã quên ăn, quên ngủ, trằn trọc vì sứ mệnh của PV GAS tại Công ty Quản lý dự án khí (DAK) – đơn vị đảm nhận vai trò rất quan trọng trong suốt quá trình xây dựng công trình đặc biệt này.

Anh Nguyễn Hùng Tiến (Trưởng phòng An toàn DAK): “Chúng tôi sẽ tiếp tục trong hành trình mang nguồn nhiên liệu sạch về Việt Nam”

Anh Nguyễn Hùng Tiến là người theo đuổi dự án trong suốt 12 năm. Anh Hùng Tiến đã tham gia hầu hết các khâu từ thiết kế, lập dự án, giám sát, quản lý an toàn, điều phối, kiểm soát và đặc biệt là thực hiện gần như toàn bộ các thủ tục pháp lý. Anh cũng là người đã chứng kiến toàn bộ giai đoạn trước khi có quyết định đầu tư cuối cùng (FID), dự án đã được cân nhắc rất nhiều lần trước khi ký Hợp đồng EPC. Thế nhưng, với niềm tin, mong muốn mãnh liệt có thể đưa nguồn năng lượng sạch về Việt Nam, ban lãnh đạo cùng các CBCNV của PV GAS nỗ lực, quyết tâm kiên định đi theo con đường đã lựa chọn mặc dù biết sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn.

Do Việt Nam chưa từng chế tạo bồn chứa khí hóa lỏng lớn thế này, nên các quy định liên quan đều chưa có. Thế là cái gì cũng phải chờ phê duyệt, phải đợi bổ sung, cân nhắc... Anh Nguyễn Hùng Tiến cũng không thể nhớ nổi đã phải bay ra Hà Nội bao nhiêu lần chỉ để giải trình các vấn đề kỹ thuật mang tính chuyên ngành.

Có những giai đoạn áp lực đổ dồn, từ Trưởng các bộ phận đến các kỹ sư, công nhân của PV GAS đều phải gồng mình, làm việc với 200% công suất để từng bước vượt qua các khó khăn, đảm bảo tiến độ dự án.

Và đúng “không gì là không thể”, mặc cho những thách thức, khó khăn với sự chỉ đạo của Ban lãnh đạo, sự tập trung cao độ, đội ngũ kỹ sư, công nhân PV GAS và liên danh nhà thầu đã không chỉ kiểm soát tốt chất lượng mà còn hoàn thiện dự án đúng tiến độ.
 

Việc Kho cảng LNG 1 triệu tấn Thị Vải chuẩn bị khánh thành và chính thức đi vào vận hành sẽ là bước đệm vững chắc cho hành trình năng lượng mới của PV GAS, là niềm tự hào của người PV GAS, đặc biệt với những con người đã gắn bó với công trình lịch sử này một thời gian dài như anh Hùng Tiến.

Đoàn Xuân Tiến (Trưởng phòng Thiết kế và công nghệ DAK): Luôn sẵn sàng đối diện, và linh hoạt tìm giải pháp để vượt qua khó khăn

Kho cảng LNG Thị Vải được thực hiện bởi các đơn vị tư vấn thiết kế hàng đầu thế giới theo nguyên lý không xả, đốt khí trong quá trình vận hành, bảo vệ môi trường, tối ưu hóa chi phí. Đây là các kỹ thuật hiện đại, những công nghệ tiên tiến chưa từng thấy trước đây tại Việt Nam. Ngoài ra, hầu hết các vật liệu và thiết bị sử dụng trong các dự án này được nhập khẩu từ các quốc gia hàng đầu trong ngành công nghiệp LNG.

Nhận một nhiệm vụ cũng vô cùng thách thức - Quản lý thiết kế dự án, với anh Đoàn Xuân Tiến (Trưởng phòng Thiết kế và công nghệ DAK), đây có lẽ là dự án phức tạp nhất mà anh được tham gia đến thời điểm hiện tại và qua đó anh cũng đã có cơ hội để học hỏi, trau dồi rất nhiều kinh nghiệm quý báu.

“Cá nhân tôi nhận thấy dự án này là một ví dụ điển hình nhất cho việc những yếu tố bên ngoài không lường trước được có tác động trực tiếp đến công tác triển khai dự án. Trong thời gian triển khai hợp đồng EPC, chúng tôi đã phải đối mặt rất nhiều tình huống phát sinh như dự báo thiếu khí nội địa (và do đó cần phải có phương án fast track hoàn thành dự án sớm), dịch bệnh COVID-19 (ảnh hưởng đến tất cả các hoạt động), giá LNG tăng đột biến (do xung đột Nga-Ukraina), tiến độ dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3, 4… Để dự án thành công chúng ta cần phải luôn luôn sẵn sàng đối diện, và linh hoạt tìm giải pháp để vượt qua những tình huống phát sinh ngoài dự kiến”, anh Xuân Tiến cho biết.


Hệ thống Kho cảng LNG Thị Vải đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nước và quốc tế, cũng như các yêu cầu về an toàn vận hành thông qua quá trình thẩm định chuyên sâu; được đánh giá cao bởi độ chi tiết, tính khả thi và chặt chẽ giữa các khâu hoạt động. Do đó, quá trình tiếp nhận chuyến tàu LNG đầu tiên về Việt Nam và công tác chạy thử đều hoàn thành sớm hơn so với dự kiến mà không để xảy ra bất kỳ rủi ro, sai sót kỹ thuật nào, đảm bảo các yếu tố an toàn, môi trường, chất lượng.

Đây chính là kết quả của sự tập trung cao độ, kiểm soát chất lượng hiệu quả trong các khâu, các cột mốc xây dựng quan trọng của đội ngũ kỹ sư của PV GAS (PetroVietnam Gas).

Anh Thái Doãn Huệ (Phòng An toàn của DAK): Mừng như vừa gặt xong thửa ruộng!

Anh Thái Doãn Huệ (Phòng An toàn của DAK) đã tham gia dự án kho chứa LNG 1 triệu tấn Thị Vải với vai trò Kỹ sư an toàn. Anh trực tiếp giám sát an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ an ninh trong suốt quá trình thi công từ khi khoan khảo sát địa chất đến hoàn thành chạy thử để nghiệm thu đưa công trình vào hoạt động.

Quãng thời gian khó khăn nhất khi đại dịch COVID-19 hoành hành, các kỹ sư, công nhân phải làm việc 3 tại chỗ trong vòng 4 tháng, xa gia đình có con nhỏ, áp lực về tiến độ dự án buộc phải đảm bảo theo đường găng, việc nắm bắt thông tin sức khỏe, tâm lý của một số lượng công nhân tương đối đông để đảm bảo an toàn trong thi công thời điểm đó là một sự nỗ lực lớn. Mọi người phải tự nấu ăn, tự cắt tóc cho nhau, tự lo từ công việc bếp núc dọn dẹp đến công tác thi công, bám sát công trường theo diễn biến dịch, thu thập và xử lý thông tin hàng ngày.

Nhớ lại quãng thời gian đó, anh Huệ chia sẻ: “Cảm giác như đang quay trở lại thời gian học Giáo dục quốc phòng khi đang là sinh viên vậy. Mình nhớ mỗi khi có xe chở thiết bị về công trường, các tài xế họ phải test nhanh COVID trước khi được phép vào công trường. Trong thời khắc đó ai cũng như nín thở, bởi nếu dương tính nghĩa là bao công sức cho một lô vật tư thiết bị về công trường càng bội phần khó khăn. Cảm giác lúc đó thật là khó tả”.

Phần thì thương nhớ hậu phương, phần thì quyết bám công trường ngày đêm, tất cả đã cùng nhau vững bước tiến lên, vượt qua các thách thức, khó khăn với một niềm tin mãnh liệt “Mong ngày đuốc cháy, sáng đèn thêm vui”.


Cũng bởi tinh thần đó, đội ngũ kỹ sư, công nhân PV GAS và liên danh nhà thầu đã không chỉ kiểm soát tốt chất lượng mà còn hoàn thiện dự án đúng tiến độ. Dự án về đích thành công, anh Huệ hài hước chia sẻ: “Mừng như vừa gặt xong thửa ruộng!” Đây chắc có lẽ cũng là cảm xúc của rất nhiều anh chị em đã ngày đêm gắn bó, trăn trở với dự án đặc biệt này.

Mỗi một dự án qua đi, anh Huệ đều đúc rút được nhiều bài học mới, thu nhận thêm những thành tựu quan trọng và đặc biệt càng cảm thấy yêu nghề hơn. “Kết thúc dự án mình thấy năng lực của mình sẵn sàng tham các dự án lớn khác của ngành công nghiệp khí. Mình rất ấn tượng với câu nói "Nghề an toàn - Nghề của sự tử tế", anh Huệ cho biết.

Anh Nguyễn Xuân Thanh (Phòng Kỹ thuật giám sát DAK): Tự tin, vững bước với những dự án đặc biệt trong tương lai

Một kỹ sư cũng gắn bó xuyên suốt với dự án 4 năm, anh Nguyễn Xuân Thanh (Phòng Kỹ thuật giám sát DAK), đảm nhận vai trò Trưởng nhóm quản lý chất lượng (QAQC) cũng như Trưởng nhóm Cơ khí. Khoảnh khắc mà anh Thanh có lẽ không bao giờ có thể quên đó là khi mái bồn có đường kính 82m với trọng lượng nặng khoảng 900 tấn được thực hiện thổi khí nâng lên cao xấp xỉ 40 mét theo đúng kế hoạch vào ngày 12/12/2020. 5 tiếng đồng hồ từ háo hức, chờ đợi đến lo lắng, mong chờ từng thời khắc trôi qua, cuối cùng công tác nâng mái bồn đã hoàn thành một cách an toàn, với sự vui mừng, tự hào của những người thực hiện.


Với anh Thanh, được tham gia 1 dự án lớn với công nghệ nhập, tồn chứa khí hóa lỏng thiên nhiên (LNG) và tái hóa khí để sử dụng hoàn toàn mới mẻ, được làm việc với những đồng nghiệp tài năng, nhiệt huyết trong môi trường với các đối tác nước ngoài cũng như những nhà thầu lớn trong nước, đã cho anh rất nhiều trải nghiệm quý báu. Đây cũng sẽ là tiền đề để anh có thể tiếp tục tham gia những dự án tương tự.

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.